Đây là một trang web chia sẻ kiến thức về thiết kế và thi công cơ điện trong công trình. Bao gồm các hệ thống Điện động lực, Điện nhẹ, Cấp thoát nước, Điều hòa, Thông gió, Phòng cháy chữa cháy trong công trình.

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Nguyên Lý Làm Lạnh Cơ Bản Của Máy Lạnh Nén Hơi

Bài viết giúp mọi người nắm được nguyên lý làm lạnh cơ bản của hệ thống điều hòa. Nắm được các bộ phận hoạt động chính của thiết bị điều hòa, các trạng thái chuyển đổi của môi chất lạnh trong hệ thống khi máy hoạt động. Công ty Taseco xin chia sẻ một vài kiến thức liên quan đến lĩnh vực này để mọi người hiểu rõ hơn về thiết bị điều hòa không khí đang sử dụng trong gia đình của các bạn.

Sơ Đồ Nguyên Lý Làm Lạnh Cơ Bản Của Máy Lạnh Nén Hơi

1.    Máy nén hơi

v Nguyên tắc hoạt động

-        Khi cấp điện vào Stator thì Rotor quay, ống trục lệch tâm trong khoang hút nén quay lệch tâm để bắt đầu chu trình hút và nén hơi.

-        Thể tích khoang hút tăng làm áp suất khoang giảm nên hơi gas lạnh được hút vào khoang hút. Thể tích khoang nén thì giảm dẫn đến áp suất trong khoang tăng, hơi bị nén ép đến áp suất xác định nào đó thì van xả mở đẩy hơi ra ngoài khoang nén nhưng vẫn ở trong vỏ của máy nén sau đó theo đường ống thông vỏ của của máy nén đi tiếp vào hệ thống.

-    Vậy máy nén lạnh còn có tác dụng làm luân chuyển môi chất lạnh tuần hoàn trong hệ thống.

-        Trạng thái 1 trên sơ đồ (trước khi đi qua máy nén) môi chất lạnh đang ở dạng hơi có nhiệt độ thấp và áp suất thấp sau khi đi qua dàn bay hơi được hút về khoang hút của máy nén để thực hiện 1 chu trình nén tiếp theo.

-    Trạng thái 2 (sau khi đi qua máy nén) hơi môi chất lạnh được nén sẽ có áp suất cao và nhiệt độ cao được máy nén đẩy tiếp đi tới dàn ngưng tụ.

-    Vậy ngoài tác dụng luân chuyển môi chất lạnh tuần hoàn trong hệ thống thì máy nén còn tác dụng quan trọng là chuyển đổi trạng thái của hơi môi chất lạnh từ áp suất thấp, nhiệt độ thấp sang trạng thái áp suất cao, nhiệt độ cao.

2.    Dàn ngưng tụ (dàn nóng)


Dàn nóng điều hòa dân dụng                               Dàn nóng điều hòa trung tâm

v Nguyên tắc hoạt động

-     Môi chất lạnh sau khi ra khỏi máy nén ở thể hơi có áp suất cao và nhiệt độ cao được nén đi qua dàn ngưng tụ. Khi đi qua dàn ngưng tụ hơi môi chất lạnh trao đổi nhiệt với môi trường bên ngoài (nhả nhiệt ra môi trường ngoài) và quá trình này làm hơi môi chất lạnh ngưng tụ thành dạng lỏng có áp suất cao và nhiệt độ cao.

-   Áp lực nén của máy nén tiếp tục đẩy môi chất lạnh dạng lỏng di chuyển tiếp trong hệ thống.

-     Trạng thái 3 trên sơ đồ (sau khi qua dàn ngưng tụ) môi chất lạnh hóa lỏng hoàn toàn và có áp suất cao, nhiệt độ cao.

-        Vậy Dàn ngưng tụ có tác dụng chuyển đổi trạng thái môi chất lạnh ở thể hơi thành thể lỏng hoàn toàn có áp suất cao và nhiệt độ cao. Sau khi ra khỏi dàn ngưng tụ, lỏng môi chất lạnh tiếp tục được nén đi qua Van tiết lưu.

3.    Van tiết lưu

     Van tiết lưu nhiệt                  Van tiết lưu có van khóa                Van tiết lưu điện tử 

v Nguyên tắc hoạt động

-    Môi chất lạnh đi qua dàn ngưng tụ ở trạng thái lỏng hoàn toàn có áp suất cao và nhiệt độ cao được đi tiếp tới van tiết lưu. Khi môi chất lạnh đi qua van tiết lưu do thay đổi thể tích tăng đột ngột dẫn đến áp suất của môi chất lạnh giảm, nhiệt độ môi chất lạnh giảm. Vậy môi chất lạnh khi đi qua van tiết lưu ở trạng thái áp suất thấp, nhiệt độ thấp, thể lỏng (dạng sương).

-    Trong hệ thống lạnh sử dụng máy nén cơ thông thường thì cáp tiết lưu còn là vị trí làm cân bằng lại áp lực trong hệ thống khi máy ngừng hoạt động, làm giảm áp lực đầu nén của máy nén giúp máy dễ dàng khởi động trở lại.

-    Trạng thái 4 trên sơ đồ (sau khi đi qua Van tiết lưu) môi chất lạnh vẫn ở thể lỏng (dạng sương) có áp suất thấp và nhiệt độ thấp (ví dụ với gas lạnh R22 ở trạng thái này có áp suất ~ 65psi, nhiệt độ ~ 5 độ C).

-    Vậy Van tiết lưu có tác dụng thay đổi trạng thái của lỏng môi chất lạnh từ áp suất cao, nhiệt độ cao thành áp suất thấp và nhiệt độ thấp. Sau khi qua van tiết lưu môi chất lạnh tiếp tục được đi qua dàn bay hơi.

4.    Dàn bay hơi (dàn lạnh)

Dàn lạnh loại treo tường                           Dàn lạnh loại áp trần
       Dàn lạnh loại Cassette âm trần                    Dàn lạnh loại giấu trần nối ống gió 

v Nguyên tắc hoạt động

-    Dưới áp suất hút và đẩy của máy nén trong hệ thống, môi chất lạnh khi qua van tiết lưu tiếp tục đi tới dàn bay hơi của hệ thống. Tại dàn bay hơi, lỏng môi chất lạnh có áp suất thấp và nhiệt độ thấp sẽ trao đổi nhiệt với môi trường bên ngoài (không khí trong phòng cần làm mát) ở quá trình này lỏng môi chất lạnh nhận nhiệt từ môi trường ngoài để sôi và bay hơi.

-    Trạng thái 1 trên sơ đồ (sau khi đi qua dàn bay hơi) môi chất lạnh hóa hơi hoàn toàn có áp suất thấp và nhiệt độ thấp.

-        Vậy dàn bay hơi có tác dụng trao đổi nhiệt giữa môi chất lạnh với không khí của môi trường cần làm mát, quá trình này làm giảm nhiệt độ không khí của môi trường bên ngoài còn lỏng môi chất lạnh khi nhận nhiệt từ môi trường thì sôi bay hơi hoàn toàn.

-    Hơi môi chất lạnh sau khi qua dàn bay hơi được nén và hút trở lại máy nén để thực hiện chu trình tiếp theo trong hệ thống.


 Nếu bạn có thắc mắc gì liên quan đến bài viết này xin hãy liên hệ tới chúng tôi.

 Công ty Taseco rất mong có được sự góp ý và chia sẻ từ các bạn.